Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã tăng giá các mặt hàng giấy nêu trên thêm 7% từ ngày 1/4. Thông tin này khiến những khách hàng sử dụng giấy với số lượng lớn, đặc biệt là ngành in ấn phải đau đầu tính toán nhằm bù đắp chi phí sẽ trội lên.
Bởi nếu sử dụng giấy với số lượng nhỏ, việc giấy tăng giá khoảng 5-6% là khoản chi phí không đáng kể. Song với những đơn vị sử dụng giấy với số lượng lớn như nhà xuất bản và các cơ quan báo chí, giá giấy chỉ cần giảm hoặc tăng thêm vài phần trăm, chi phí in ấn sẽ tăng lên hay giảm đi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Lý giải việc giá giấy tăng mạnh, ông Vũ Quốc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến DN phải điều chỉnh tăng giá sản phẩm.
Trước tiên là do giá bột giấy nguyên liệu đang ở mức cao kỷ lục. Hiện giá bột giấy sợi dài ở mức trên 900 USD/tấn; giá bột giấy sợi ngắn khoảng 850 USD/tấn; giá giấy loại khoảng 270 USD/tấn. Giá giấy đã qua sử dụng (giấy loại) thu mua trong nước cũng tăng từ 3 triệu đồng/tấn lên 3,7 triệu đồng/tấn.
Ngoài ra, giá xăng, dầu và điện đang ở mức cao, kèm theo tỷ giá đồng tiền và lãi suất biến động theo chiều hướng tăng khiến DN ngành giấy buộc phải cân nhắc giá bán. Bởi với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, không phải DN nào cũng có khả năng trả lãi hằng tháng.
Trong khi đó, 70% nguồn vốn lưu động của các DN chủ yếu phải vay ngân hàng… Trước tình hình này, nhiều DN ngành giấy đã điều chỉnh tăng giá giấy in, giấy viết và giấy in báo. Việc điều chỉnh giá đã ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống bởi khá nhiều đối tượng khách hàng sử dụng các loại giấy trên.
Với tình hình này, dự kiến đầu tháng 5, giá giấy tiếp tục tăng từ 9% đến 14%. Giấy tăng giá khiến những ngành sử dụng giấy số lượng lớn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu có những điều tiết hợp lý về chính sách thuế, giá giấy có thể ở mức hợp lý hơn.